Agribank đồng hành và lớn mạnh cùng cộng đồng doanh nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong hành trình đó, Agribank cùng ngành Ngân hàng đã và đang tạo điều kiện để doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế được tiếp cận vốn vay, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng để cùng đưa nền kinh tế phát triển
Tích cực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển
Kinh tế tư nhân nước ta đã bùng nổ mạnh mẽ từ khi Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về phát triển kinh tế tư nhân đi vào cuộc sống. Là “huyết mạch” của nền kinh tế, ngành ngân hàng – trong đó có Agribank- đã khai thông dòng vốn, giúp chủ trương đổi mới này được hiện thực hóa.
Cụ thể, ngay từ khi có chủ trương đối mới của Đảng, NHNN đã khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn; Chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ổn định; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp tín dụng; chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cấp vốn cho các lĩnh vực ưu tiên…
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần đưa tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực: tín dụng với lĩnh vực rủi ro giảm hẳn, thay vào đó là tập trung vào 05 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Không chỉ khơi thông tín dụng, với chính sách tiền tệ, lãi suất hợp lý đã giúp hệ thống ngân hàng huy động được nguồn vốn huy động khổng lồ, từ đó lại tiếp tục quay lại cho vay nền kinh tế.
Trong hệ thống các ngân hàng thương mại, Agribank là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trải qua 31 năm phát triển gắn với sứ mệnh “Tam nông”, Ngân hàng đã luôn giữ vai trò chủ lực về phát triển tam nông, đi đầu trong thực hiện các chính sách tín dụng quan trọng và đang chiếm thị phần lớn nhất đối với tín dụng nông nghiệp (hiện chiếm trên 50% thị phần). Bên cạnh đó, Agribank đang cung ứng trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch thanh toán của người dân, doanh nghiệp.
Với quan niệm sự phát triển lớn mạnh của ngân hàng gắn liền với quá trình lớn mạnh không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước qua mọi thời kỳ, Agribank cùng ngành Ngân hàng luôn luôn xem trọng lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển.
Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất và cá nhân...
Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Agribank ban hành đồng bộ chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi, tiền vay, phí thanh toán, phí dịch vụ và các chính sách khác để khách hàng có thể sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới, khách hàng tiềm năng. Mọi sự thay đổi của Agribank đều nhằm mục đích hướng đến và phục vụ tốt hơn khách hàng.
Sự đồng hành, hợp tác, gắn kết giữa Agribank, ngành Ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, hình thành nên các thương hiệu quốc gia, khẳng định sức mạnh và giá trị Việt trên trường quốc tế, có đóng góp tích cực, quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Liên kết để nhân sức mạnh, giảm rủi ro
Hiện nay, cả nước có trên 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội liên tục tăng mạnh và khối DN tư nhân ngày càng đóng góp lớn vào GDP của nền kinh tế.
Từ thực tiễn triển khai, Agribank nhận thức rất rõ rằng, tăng cường tính liên kết giữa các thành phần kinh tế sẽ nhân lên sức mạnh của cả nền kinh tế nói chung. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất tạo điều kiện phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất. Liên kết giúp người trực tiếp sản xuất có định hướng và đầu ra với giá bán ổn định, giảm bớt các khâu trung gian trong sản xuất đến sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, giá bán sản phẩm, nâng cao hiệu quả cho các chủ thể trong quá trình sản xuất… Điều này rất cần thiết khi nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún, làm theo kiểu truyền thống…
Để tăng cường tính liên kết của các chủ thể, Agribank mong muốn, thời gian tới đây, Việt Nam sẽ có chính sách bảo hiểm giá, rủi ro trong sản xuất kinh doanh cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi và bảo hiểm tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, bảo hiểm năng suất, sản lượng…; Sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu. Xây dựng tiêu chí cụ thể cho các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích tư nhân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời quy hoạch các nhà máy sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết “4 Nhà”, do vậy, cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng “Nhà” và có chế tài ràng buộc để giữ mối liên kết; nhất là sự hỗ trợ trong việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương quan tâm, ổn định quy hoạch vùng, tiểu vùng ngành nông nghiệp, hỗ trợ Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng như: Xúc tiến nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận, gia hạn, chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất...; Khuyến khích các Hiệp hội thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, gắn trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương trong việc quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi …
Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng, để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, Agribank quyết tâm cùng ngành Ngân hàng thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Với những hành động thiết thực, Agribank đang góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và trở thành động lực phát triển đất nước. Đồng thời, ngân hàng kỳ vọng cùng DN bắt tay nhau xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam trong những giai đoạn phát triển mới.
Box:
Năm 2019, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận bứt phá: 10 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018. Agribank đang ngày càng khẳng định vị thế dẫn đầu. Hiện, Agribank có tổng tài sản 1,3 triệu tỷ đồng, cao nhất hệ thống. Nguồn vốn đạt được gần 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi trong dân cư đạt gần 1 triệu tỷ đồng. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó tín dụng đầu tư cho “Tam nông” chiếm 70,5%/tổng dư nợ của Agribank. Đặc biệt, ngân hàng đang lột xác mạnh mẽ về dịch vụ và công nghệ.
Tin nổi bật
- Chúc mừng năm mới
08/02/2024 - 18:03:43
- Thư chúc mừng ngày doanh nhân Việt Nam 13/10/2023
10/10/2023 - 10:08:34
- TRIỂN KHAI CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP
28/02/2020 - 11:12:26
- Tiếp tục tạo điều kiện cho xuất khẩu
31/12/2019 - 08:19:31
- Thủ tướng: Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng để gỡ vướng thể chế
03/12/2019 - 10:08:52
- Vụ “Chính quyền bức tử doanh nghiệp” tại Đồng Nai: Thường trực Chính phủ sẽ làm việc với Tổng Thanh tra Nhà nước?
29/11/2019 - 10:04:44