Thẩm định Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm (sửa đổi)
Chiều 1/11, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm (sửa đổi).
Góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010, 2019) đến nay đã qua gần 20 năm thi hành, đạt được nhiều kết quả tích cực. Luật 2000 và các Luật sửa đổi, bổ sung đã tạo lập được khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến hết năm 2018, thị trường bảo hiểm đã có 64 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Trong giai đoạn 2000 – 2018, các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân từ 25 – 30%/năm.
Thị trường bảo hiểm cũng góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Theo đó, hiện có gần 8,8 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ (khoảng 9,1% dân số), 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn, 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không… Những người được bảo hiểm này đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm còn nhiều điểm phải hoàn thiện trong bối cảnh Luật được ban hành cách đây gần 20 năm. Nhiều quy định không theo theo kịp với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế như chưa yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá về năng lực tài chính dựa trên việc tính toán lượng hóa mức độ rủi ro của từng doanh nghiệp; chưa quy định về cung cấp dịch vụ qua biên giới đối với bảo hiểm nhân thọ theo cam kết tại WTO… Hơn nữa, một số quy định của Luật không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại các văn bản pháp luật liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thanh tra…
Vì vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Doãn Thanh Tuấn, việc xây dựng Luật Bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết để khắc phục những vướng mắc, bất cập và kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Từ đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất 12 chính sách, gồm: áp dụng mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro; đổi mới quy định về thành lập và quản trị doanh nghiệp; trao quyền chủ động để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm…
Cân nhắc kỹ việc mở rộng phạm vi kinh doanh bảo hiểm
Thảo luận về đề nghị, các thành viên Hội đồng đã tập trung đánh giá về sự cần thiết, tính hợp hiến, hợp pháp, tính phù hợp… theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, Luật tới đây sẽ đáp ứng yêu cầu mới hiện nay, nhất là mở cửa thị trường bảo hiểm. Trong những chính sách mới, phía Hiệp hội đặc biệt quan tâm đến mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Nếu được thông qua, đây sẽ là cách thức quản lý mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xác định vốn cần có trên quy mô hoạt động và tổng thể rủi ro của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động tính toán vốn cho hoạt động kinh doanh theo mức độ rủi ro, đồng thời giúp cơ quan quản lý phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro đánh giá hoạt động của từng doanh nghiệp.
Ông Lê Việt Dũng (Ủy ban giám sát tài chính quốc gia) thì đồng tình với chính sách công khai, minh bạch thông tin bởi điều đó sẽ đáp ứng được nhu cầu nâng cao năng lực của doanh nghiệp và thông tin bảo hiểm cũng ảnh hưởng đến người dân nên rất cần công bố thông tin. Có điều, dự thảo Đề nghị hiện không có thuyết minh cụ thể và ông Dũng đề xuất nên áp dụng tương tự như chứng khoán.
Ông Trương Thế Hoàn (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) và một số đại biểu băn khoăn với tên gọi của Luật do dễ gây nhầm lẫn với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vốn mang tính an sinh xã hội. Về các chính sách, ông Hoàn cơ bản tán thành nhưng cho rằng phải tính toán thêm về kỹ thuật trình bày, các chính sách phải được đánh giá tác động và đưa ra các phương án để lựa chọn. Đơn cử, với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro được cho là cách quản lý mới, song cơ quan chủ trì lại đề cập đến tính kế thừa, trong khi cũng chưa có nội dung cụ thể mà sẽ giao Chính phủ quy định…
Tổng hợp các ý kiến của thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật nhưng cần làm sâu sắc hơn về sự cần thiết, nhất là cụ thể hơn về các hạn chế, bất cập. Đối với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Thứ trưởng đề nghị cân nhắc kỹ mở rộng phạm vi kinh doanh bảo hiểm sang các tổ chức chính trị - xã hội và lần sửa đổi này cố gắng ghi nhận các thành tựu của cách mạng 4.0 trong hoạt động bảo hiểm. Thứ trưởng cũng yêu cầu rà soát Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trọng tài thương mại… để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với giữa các Luật liên quan, đồng thời xem xét thêm các chính sách về đổi mới thành lập và quản trị doanh nghiệp, mở rộng các dịch vụ phụ trợ, thúc đẩy triển khai cung cấp bảo hiểm vi mô.
Tin nổi bật
- Chúc mừng năm mới
08/02/2024 - 18:03:43
- Thư chúc mừng ngày doanh nhân Việt Nam 13/10/2023
10/10/2023 - 10:08:34
- TRIỂN KHAI CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP
28/02/2020 - 11:12:26
- Tiếp tục tạo điều kiện cho xuất khẩu
31/12/2019 - 08:19:31
- Thủ tướng: Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng để gỡ vướng thể chế
03/12/2019 - 10:08:52
- Vụ “Chính quyền bức tử doanh nghiệp” tại Đồng Nai: Thường trực Chính phủ sẽ làm việc với Tổng Thanh tra Nhà nước?
29/11/2019 - 10:04:44